Chung tay vực dậy thị trường bất động sản: Cần quyết liệt, khẩn trương
Ngày cập nhật: 23 - 11 - 2022
Chung tay vực dậy thị trường bất động sản: Cần quyết liệt, khẩn trương
Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời và có tính lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại niềm tin. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Ngày 17/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1435/QĐ-TTg "Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp".
Chia sẻ riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM đánh giá: Quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực ngay tức thì và có tính lan tỏa giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại niềm tin và ổn định tâm lý cho khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi niềm tin hiện nay là vấn đề hàng đầu. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu và rất cần sự vào cuộc của các Bộ ngành có liên quan.
Theo ông Châu, các doanh nghiệp cũng đã học được các bài học đắt giá, "đáng đồng tiền bát gạo" để khắc phục các sai lệch trong hoạt động đầu tư kinh doanh mà trước hết là doanh nghiệp phải luôn luôn thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật.
Doanh nghiệp không thể chỉ chạy theo lợi nhuận đơn thuần hoặc chỉ chăm chăm tối đa hoá lợi nhuận mà phải bảo đảm nguyên tắc đạt cho được điểm cân bằng, hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng, để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.
- Nhiều ý kiến cho rằng việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản cần phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương. Quan điểm của ông thế nào?
Hiệp hội nhận thấy, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII các cấp có thẩm quyền Trung ương đã ban hành rất nhiều văn bản định hướng chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu cụ thể là "Đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất". Do vậy, có thể nói 02 năm 2022 - 2023 là "thời điểm vàng" để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản.
Trong gần 2 năm qua, hàng tháng Chính phủ đều tổ chức cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, đồng thời đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 "Về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022". Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg "Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" và đã quyết định kế hoạch đến năm 2025 phát triển 570.000 căn nhà ở xã hội, đến năm 2030 phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Để giải quyết các vướng mắc do quy định của các luật thì phải cần thời gian nhưng trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 "Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng" và "Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.
- Ngoài thủ tục hành chính, ông có đề xuất thêm giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản?
Do vị trí đặc biệt quan trọng của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, nên Hiệp hội đề nghị Tổ công tác khẩn trương làm việc với Uỷ ban nhân dân Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh trọng điểm. Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Tổ công tác sắp xếp gặp trực tiếp doanh nghiệp để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương vào cuộc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/08/2022 và nhất là Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ để sớm có kết luận, xử lý, giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét xử lý, giải quyết để tháo gỡ "vướng mắc, khó khăn" cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng 1%, bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm nên việc giải ngân thêm được 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm là vô cùng quý.
Đi đôi với tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định. Việc sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
- Quy luật tất yếu của thị trường bất động sản
- Doanh nghiệp bất động sản củng cố nội lực để tồn tại
- Bất động sản có pháp lý hoàn chỉnh được người mua nhà quan tâm
- LOẠT THƯƠNG HIỆU QUỐC TẾ KIẾN TẠO ĐẲNG CẤP CĂN HỘ VIVA PLAZA
- QUỐC HỘI YÊU CẦU CÓ BIỆN PHÁP BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
- VINALAND TÁI KHỞI ĐỘNG SAU DỊCH COVID - 19, QUYẾT TÂM HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH KINH DOANH 2021
- SỞ CÔNG THƯƠNG: THÔNG BÁO VỀ VIỆC CHẤP THUẬN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ HỢP ĐỒNG THEO MẪU
- CÔNG BỐ THÔNG TIN TỔ CHỨC ĐẤU THẦU XÂY DỰNG DỰ ÁN VINALAND TOWER
- THÔNG CÁO THÔNG TIN LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH COVID - 19